Ngày 04/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, theo đó, giao Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng BHXH đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết tháng 6 hoặc tháng 12 năm 2020 và không tính lãi phạt chậm nộp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Để triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã ban hành nhiều công văn hướng dẫn cụ thể về việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Để có những kiến thức pháp lý liên quan đến Chính sách tạm dừng đóng BHXH bắt buộc vào quỹ hưu trí, tử tuất, Công ty
Luật Việt Phong xin được tư vấn cho quý khách hàng như sau:
1. Về đối tượng áp dụng
Đối tượng áp dụng được quy định bởi Hướng dẫn liên ngành 882/HDLN-BHXH-LĐTB&XH-TC năm 2020 về tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 do Liên ngành: Bảo hiểm xã hội thành phố - Sở Lao động Thương binh và Xã hội - Sở Tài chính thành phố Hà Nội ban hành như sau:
- Doanh nghiệp thuộc các ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, thuộc trường hợp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:
• Tạm dừng sản xuất, kinh doanh từ 01 tháng trở lên do gặp khó khăn khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc do khủng hoảng, suy thoái kinh tế hoặc thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế;
• Gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa.
- Có 1 trong 2 thiệt hại sau (Điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất) theo Nghị định số 115/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc:
• Loại 1: Dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên
• Loại 2: Hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất)
2. Thời hạn tạm dừng
Theo hướng dẫn liên ngành 882/HDLN-BHXH-LĐTB&XH-TC, Thời hạn áp dụng từ tháng DN đề nghị và nộp hồ sơ đầy đủ đến hết tháng 6/2020. Nếu dịch Covid chưa thuyên giảm thì có thể gia hạn đến hết tháng 12/2020.
3. Hiểu đúng về Chính sách Tạm dừng đóng BHXH bắt buộc vào quỹ hưu trí, tử tuất
Nhiều doanh nghiệp có sự nhầm lẫn bởi cụm từ "TẠM DỪNG”, họ nghĩ rằng Chính phủ hỗ trợ số tiền đóng BHXH vào quỹ hưu trí tử tuất (tức hỗ trợ 14% trên mức lương đóng BHXH của người lao động) đến hết tháng 6/2020. Nhưng thực chất không phải như vậy, "TẠM DỪNG” ở đây nói đúng hơn là trì hoãn đóng BHXH, và sẽ phải đóng đủ số tiền BHXH trong thời gian được trì hoãn sau khi hết tháng 6/2020.
Ví dụ: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty TNHH A gặp khó khăn trong kinh doanh, dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động. Nên 100% trên tổng số người lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 15/03/2020 đến 15/04/2020.
Giả sử "Hồ sơ đề nghị Tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất” của Công ty TNHH A được phê duyệt, Công ty này được tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất trong 4 tháng ( tháng 03/2020 đến tháng 06/2020). Hết tháng 6/2020 và dịch Covid thuyên giảm, Công ty TNHH A sẽ phải đóng bù lại số tiền BHXH đã được tạm dừng trong 4 tháng cộng thêm tiền BHXH trong tháng 7.
Trên đây là tư vấn của Công ty
Luật Việt Phong về Chính sách tạm dừng đóng BHXH bắt buộc vào quỹ hưu trí, tử tuất. Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn bạn vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Công ty
Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp luật.